banner
 07/11/2019 09:02:30 AM

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Sáng 06-11, tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi đã tham gia chất vấn hai nội dung liên quan đến công tác quản lý ngành về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Mở đầu phiên chất vấn, đại biểu Phạm Thị Thu Trang, Tỉnh ủy viên, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh phản ánh về vấn đề thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Theo đại biểu, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn (thay thế Nghị định số 210/2013/NĐ-CP) và trong giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 có nêu “Thúc đẩy phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ cao, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”.

Như vậy, trong tái cơ cấu nông nghiệp, vai trò của doanh nghiệp là rất quan trọng trong tổ chức lại sản xuất; đầu tư công nghệ; nâng cao năng suất, giá trị nông sản và phát triển thị trường. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình hình và giải pháp nhằm thu hút các doanh nghiệp tăng cường đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Trả lời ý kiến trên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đồng tình với quan điểm về vai trò của doanh nghiệp cùng với hợp tác xã có ý nghĩa quan trọng trong định hướng và phát triển nông nghiệp.

Trong 3 năm qua, số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào nông nghiệp đã tăng 3 lần, từ hơn 3.000 doanh nghiệp lên hơn 11.000 doanh nghiệp, trải đều khắp các vùng miền và các lĩnh vực từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ nông sản; trong đó có nhiều doanh nghiệp lớn đã đầu tư vào lĩnh vực này để nâng giá trị sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, 11.000 doanh nghiệp nói trên cùng với 49.000 doanh nghiệp đầu tư gián tiếp vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, khi chỉ chiếm 8% trong tổng số doanh nghiệp Việt Nam. Vì vậy, ngành sẽ tiếp tục rà soát, xây dựng các giải pháp, cơ chế để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Quốc hội xem xét thông qua Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) để xây dựng khung pháp lý thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tiếp đến, đại biểu Đinh Thị Hồng Minh, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh phản ánh: Ngày 12/11/2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1976/QĐ-TTg về việc phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, với định hướng: Đảm bảo năng lực đáp ứng tổng lượng thủy sản qua cảng và nhu cầu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá ổn định; hoàn thiện hệ thống cảng cá theo hướng công nghiệp, hiện đại trên cơ sở nâng cấp, mở rộng cảng cá hiện có, tập trung vào các hạng mục dịch vụ hậu cần nghề cá.

Tuy nhiên, trong thời gian qua, việc đầu tư, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão chưa đáp ứng so với nhu cầu thực tế; nhiều công trình cảng đầu tư chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, đầu tư phân nhiều giai đoạn và kéo dài. Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng đánh giá tình hình và đưa ra giải pháp tăng cường đầu tư, nâng cấp các cảng cá, khu neo đậu tránh trú bão để nâng cao hiệu quả công tác cung ứng dịch vụ hậu cần nghề cá, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai và thực hiện đạt mục tiêu theo quy hoạch.

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, phản ánh của đại biểu là rất đúng với thực tiễn, xác định hoàn thiện hệ thống cảng cá và khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá là nội dung quan trọng trong phát triển bền vững ngành thủy sản (và đây cũng là nội dung mà Ủy ban Châu Âu EC sẽ đánh giá để xem xét tháo gỡ thẻ vàng). Theo Quyết định số 1976/QĐ-TTg, trong năm 2016-2020, nhu cầu vốn bố trí đầu tư là 16.800 tỷ (để hoàn thiện 125 cảng cá và 146 khu neo đậu tàu thuyền).

Tuy nhiên, với điều kiện khó khăn về ngân sách, thời gian qua chỉ đầu tư được 1.864 tỷ đồng (đạt 11%), do đó chỉ hoàn thành được 66% số cảng cá và 56% số khu neo đậu tàu thuyền, đây là một trong những hạn chế cho phát triển nghề cá. Vì thế, Bộ NN&PTNT đã cho tổng rà soát tình hình (ngay từ quý II/2019) và đề xuất Chính phủ, bộ, ngành và cùng các địa phương xem xét ưu tiên nguồn lực đầu tư để khắc phục những hạn chế và hoàn thiện thiết chế hạ tầng nghề cá để phát triển bền vững.

Nguồn: Website UBND tỉnh Quảng Ngãi
Video
Thống kê truy cập
Đang online
69
Hôm nay
1,358
Tháng này
201,021
Tổng truy cập
2,529,429