banner
 15/03/2022 03:21:27 PM

Chú trọng bảo vệ, phát triển nhãn hiệu nông sản

Các sản phẩm từ Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), cũng như những đặc sản địa phương tuy có giá trị kinh tế cao, được người tiêu dùng đón nhận, nhưng đến nay, nhiều sản phẩm chưa được đăng ký, bảo vệ và phát triển nhãn hiệu.
Người dân Nghĩa Hành chăm sóc bưởi da xanh, sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

"Nhái" sản phẩm OCOP

Một trong những thế mạnh của các sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh ở huyện Nghĩa Hành (gồm chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng và chuối ngự) là thu hoạch trái vụ so với các tỉnh, thành phố phía nam. Sản lượng trái cây Nghĩa Hành cung ứng cho thị trường không nhiều, trong khi sản phẩm được tiêu thụ mạnh nên có thời điểm “cháy hàng”. Vì thế, phát sinh tình trạng giả thương hiệu sản phẩm OCOP của huyện Nghĩa Hành để bán.

Tại nhiều cửa hàng, chợ và các kênh bán hàng trực tuyến (Zalo, Facebook) không khó để thấy quảng cáo “bưởi da xanh Nghĩa Hành đạt chất lượng OCOP 3 sao”, với giá 20 - 25 nghìn đồng/kg, trọng lượng 1,5 - 2,5 kg/quả. Sau khi đặt mua, quả bưởi da xanh mà khách hàng nhận được có trọng lượng khoảng 1,5kg/quả, vỏ dày, múi khô, vị đắng chứ không phải “vỏ mỏng, múi mọng nước, ngọt thanh chua nhẹ” như bưởi da xanh đúng gốc Nghĩa Hành.

 
Ông Huỳnh Thân, ở xã Hành Tín Đông (Nghĩa Hành) cho biết, sau khi phục vụ thị trường tết Nguyên đán, thì có rất ít nhà vườn còn bưởi da xanh ở độ tuổi thu hoạch, nên không thể có số lượng lớn bưởi để bán. Đó là chưa kể thời điểm này, hầu hết các vườn bưởi đều được nhà vườn cắt tỉa cành, thân và loại bỏ phần lớn quả non để tập trung nuôi cây, đảm bảo tỷ lệ kết quả và thời gian thu hoạch bắt đầu từ tháng 7 âm lịch. Hơn nữa, bưởi da xanh Nghĩa Hành có trọng lượng 1,5 - 2kg/quả được thương lái thu mua tại vườn với giá 35 - 40 nghìn đồng/kg. “Thời điểm này mà người bán quảng cáo bưởi da xanh Nghĩa Hành quả to, giá rẻ, hàng có sẵn thì khách hàng cần cẩn trọng, có thể người ta “mượn” thương hiệu bưởi Nghĩa Hành để bán sản phẩm của địa phương khác”, ông Thân khẳng định.
 
Cần bảo vệ nhãn hiệu 
 
Không chỉ bưởi da xanh Nghĩa Hành, mà trước đó người trồng tỏi Lý Sơn cũng lao đao vì bị đánh cắp thương hiệu, khiến một bộ phận người tiêu dùng mất niềm tin đối với tỏi Lý Sơn. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động sản xuất cũng như thu nhập người trồng tỏi trên huyện đảo.
 
Hiện nay, công tác đăng ký và bảo vệ nhãn hiệu nông sản vẫn chưa được quan tâm đúng mức, nhất là đối với 61 sản phẩm địa phương được công nhận OCOP đạt chất lượng 3 sao, 4 sao. Được bảo hộ tên gọi, xuất xứ, chỉ dẫn địa lý nhưng nhiều loại nông sản, sản phẩm OCOP vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác, khiến sản phẩm gặp nhiều bất lợi trong cạnh tranh trên thị trường.
 
Chi cục trưởng Chi cục quản lý chất lượng nông, lâm và thủy sản tỉnh Nguyễn Đức Bình cho rằng, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không chỉ nâng cao giá trị cạnh tranh của sản phẩm, nâng cao thu nhập người sản xuất, mà còn tạo thuận lợi cho việc đấu tranh chống hàng nhái, hàng giả. Do đó, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức người dân và doanh nghiệp (DN) trong việc bảo vệ thương hiệu thì các ngành, đơn vị liên quan cần tư vấn, hỗ trợ người sản xuất thực hiện sớm các thủ tục đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu.
 

Theo chính quyền các địa phương, việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu cần gắn với các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ. “Mối liên kết sẽ không thể duy trì nếu DN đợi khi nào có người mua, lúc đó mới kêu thương lái đi gom hàng từ nông dân. Vì vậy, trước khi hợp tác sản xuất, DN hãy chắc chắn thị trường tiêu thụ, sau đó mới bàn với nông dân về diện tích, quy trình canh tác, sản lượng và chất lượng... Được như vậy thì nông dân sẽ làm đúng quy trình theo yêu cầu của DN, đảm bảo hài hòa lợi ích”, Chủ tịch UBND huyện Mộ Đức Phạm Ngọc Lân đề xuất.

Nguồn: https://baoquangngai.vn/channel/2025/202203/chu-trong-bao-ve-phat-trien-nhan-hieu-nong-san-3107131/
Video
Thống kê truy cập
Đang online
480
Hôm nay
1,515
Tháng này
219,949
Tổng truy cập
2,498,656