banner
 26/02/2020 02:13:57 PM

Cà Mau đề xuất trình Chính phủ xem xét hỗ trợ 193 tỷ chống hạn

Tại buổi làm việc với đoàn công tác của Bộ NNPTNT hôm nay (ngày 26/2), UBND tỉnh Cà Mau cho biết ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đã không đồng ý phương án đưa nước mặn vào vùng ngọt. Cũng trong buổi làm việc hôm nay, UBND tỉnh Cà Mau đề xuất Bộ NN&PTNT trình Chính phủ xem xét hỗ trợ Cà Mau gần 193 tỷ đồng để phòng chống hạn hán phục vụ sản xuất, sinh hoạt năm 2019 - 2020.
Phương án đưa nước mặn vào vùng ngọt để hạn chế sụt lún công trình giao thông đã không được ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau đồng ý. Trong ảnh: Sụt lún ở tuyến Tắc Thủ - Vàm Đá Bạc.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, vấn đề sụt lún, sạt lở đất trên địa bàn có nguy cơ gây thiệt hại nặng nề hơn. Trước tình hình khẩn cấp, UBND tỉnh đề xuất đưa nước mặn vào vùng ngọt để hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, ông Dương Thanh Bình, Bí thư Tỉnh ủy đã không đồng ý phương án này.

Từ đầu mùa khô đến nay toàn tỉnh đã xảy ra trên 900 vụ sụt lún, sạt lở đất. Trong đó, có những vị trí sụt lún, sạt lở gây thiệt hại nghiêm trọng các tuyến đường huyết mạch của tỉnh. Đáng chú ý, tuyến đường phòng hộ đê biển Tây, đoạn Đá Bạc – Kênh Mới vào ngày 18/2 vừa qua đã bị sụt lún nghiêm trọng khoảng 100m, đến ngày 23/2 tiếp tục sụt lún 90m và đang có nguy cơ bị sụt lún tiếp khoảng 200m.

Thứ trưởng Hà Công Tuấn khảo sát tình hình lúa thiếu nước do khô hạn ở Cà Mau chiều 25/2. Ảnh: Chúc Ly.

Ông Nguyễn Tiến Hải - Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trước tình hình hạn hán nguy cơ tiếp tục gây thiệt hại nặng nề, UBND tỉnh Cà Mau đã đề xuất đưa nước mặn vào một số tuyến kênh để hạn chế thiệt hại do sụt lún đất. Ngành chức năng địa phương đã lấy ý kiến người dân, tham khảo nhiều chuyên gia và đánh giá rất kỹ để đưa ra phương án này.

Ngoài gây sụt lún, sạt lở trên diện rộng, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn còn đang làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của người dân trong vùng ngọt hóa của tỉnh Cà Mau.

Tính đến giữa tháng 2 vừa qua, hơn 41.000ha lúa của tỉnh được đánh giá là thiệt hại và nguy cơ bị thiệt hại. Trong đó, khoảng 18.000ha lúa đã bị thiệt hại. Địa phương này cũng đang có hơn 20.500 hộ gia đình bị thiếu nước sinh hoạt.

Phát biểu trong buổi làm việc, ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đề nghị tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm vấn đề nước ngọt phục vụ người dân trong mùa hạn hán, trong bất cứ trường hợp nào cũng không để người dân thiếu nước.

“Tái cơ cấu cũng hết sức quan trọng. Vùng trữ ngọt của Cà Mau phổ biến đang canh tác 2 vụ lúa một vụ màu. Kể cả màu cũng phải dùng nước, còn vụ lúa trong mùa khô phải bơm toàn bộ lượng nước trong kênh mương lên. Đáng ra, đó là lượng nước để dự trữ. Nếu chúng ta không dùng cho sản xuất, sẽ có nước ngọt đảm bảo đời sống sinh hoạt. Cà Mau có thể phải giãn vụ hoặc chuyển đổi qua cây trồng khác” - Thứ trưởng nhận định.

Trước đó, chiều 25/2, đoàn công tác Bộ NN&PTNT đã đến làm việc, kiểm tra Vườn quốc gia U Minh Hạ về công tác phòng cháy chữa cháy.

Theo Sở NN&PTNT Cà Mau, tỉnh có diện tích đất có rừng tập trung là hơn 95.950ha. Đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh chưa xảy ra vụ cháy nào. Tuy nhiên, tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, gay gắt và dự báo thời tiết đến tháng 4/2020 sẽ tiếp tục không có mưa và cực đoan hơn. Đặc biệt mực nước dưới các tuyến kênh thấp hơn năm 2019 từ 0,5 – 0,8m, có khả năng khô cạn hoàn toàn, thiếu nước nghiêm trọng ở một số khu vực. Vì vậy, trong thời gian tới công tác phòng cháy chữa cháy gặp rất nhiều khó khăn.

Theo đó, báo động cấp cháy cực kỳ nguy hiểm (cấp V) là trên 14.000ha, còn lại là cấp cháy cao, cấp cháy nguy hiểm (cấp III, IV) đang có nguy cơ cháy rất cao.

Trước tình hình trên, Chi cục kiểm lâm đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Phòng chống thiên tai của tỉnh Cà Mau đề nghị các chủ rừng tăng cường công tác trực 24/24 theo phương án 4 tại chỗ, đồng thời bố trí lực lượng, phương tiện, máy bơm, trực chòi quan sát thường xuyên. Ngoài ra, các đơn vị tăng cường tuyên truyền ở khu vực cộng đồng dân cư sống trong rừng, thực hiện an toàn trong sử dụng lửa cần lưu ý, đặc biệt trong thời gian cao điểm. 

Cũng trong chiều 25/2, đoàn công tác của Bộ NN&PTNT đã khảo sát một số điểm sụt lún đê biển Tây, ruộng lúa chuẩn bị thu hoạch bị thiếu nước của người dân.

 

Nguồn: Dân Việt http://danviet.vn/nha-nong/ca-mau-de-xuat-trinh-chinh-phu-xem-xet-ho-tro-193-ty-chong-han-1062338.html
Video
Thống kê truy cập
Đang online
6
Hôm nay
1,253
Tháng này
206,889
Tổng truy cập
2,535,297